Seneca những bức thư đạo đức 7
Bức thư số 7: Tại sao nên tránh đám đông
Bạn thân mến!
Bạn hỏi điều gì ta cần tránh nhất trong cuộc sống ư? Đó là đám
đông. Không mấy ai có thể "an toàn" trong ấy cả.
Đương nhiên tôi không phải một trong số những người đó. Luôn
luôn có một vài tật xấu sẽ trở lại với tôi mỗi lần tôi ở cùng đám đông,
dù là thứ tôi vẫn đang cố gắng kiểm soát hay thậm chí đã thành
công trong việc chế ngự nó từ lâu. Giống như người bệnh, sau
một thời gian dài nằm phòng điều trị đến nỗi việc ra khỏi phòng
thôi cũng có thể ảnh hưởng đến họ, thì với chúng ta cũng vậy:
khi mà tâm trí ta đang trong quá trình rèn luyện, giao tiếp
chuyện trò với nhiều người là có hại. Mỗi người đều có thể đề
cập đến vài thứ có thể khiến ta lung lay, và thậm chí tiêm nhiễm nó
cho ta một cách tự nhiên vô tình mà nhiều khi chính ta cũng không
nhận thấy.
Đám đông càng lớn, tác hại càng cao. Không gì có thể ảnh hưởng
xấu đến phẩm cách hơn là ngồi xem những cuộc trình diễn lớn, vì
khi đó sự thỏa mãn được chiêm ngưỡng khiến cho những tật xấu ăn
sâu hơn vào trong tâm trí. Bạn hỏi ý tôi là gì? Tôi về nhà với tâm trí
trở nên tham lam hơn, ham muốn quyền lực, và khao khát được
thỏa mãn những dục vọng của mình nhiều hơn? Còn tai hại
hơn thế. Tôi trở nên dữ tợn và bạo lực hơn, chỉ vì tôi ở giữa
loài người.
Hoàn toàn vô tình, tôi thấy mình ở giữa một cuộc trình diễn như vậy,
hy vọng có thể xem một vài thứ hay ho đáng kinh ngạc hay thông
tuệ, thứ gì không dính dáng đến chém giết và máu me. Ngược lại
hoàn toàn. Thật mỉa mai khi những cuộc đấu thời trước giờ xét lại có
vẻ thật nhẹ nhàng và mang đậm tính nhân văn. Giờ thì chỉ là tàn sát
mà thôi. Người ta thậm chí không cho các đấu sĩ bất cứ một thứ gì
phòng hộ: giáp, mũ chiến đấu hay thứ gì tương tự để bảo vệ cơ thể.
Giờ mỗi cuộc đấu là một cuộc tử chiến, thay vì tôn vinh võ nghệ hay
nghệ thuật chiến đấu. Và trớ trêu, nó lại khiến mọi người thích thú
hơn rất nhiều. Buổi sáng, các đấu sĩ bị vứt vào trường đấu với hổ
báo (nghĩa đen), buổi chiều họ tự giết nhau. Kẻ vừa giết một tên
khác rồi cũng sẽ sớm trở thành nạn nhân. Chiến thắng chỉ là sự làm
chậm đôi chút cái chết của hắn mà thôi. Con đường duy nhất để ra
khỏi đấu trường là cái chết.
Nhưng chúng là những kẻ trộm cắp, giết người. Vậy thì sao? Nếu
hắn là kẻ giết người, dù đương nhiên hắn phải chết để đền tội,
điều đó liên quan gì đến bạn? Điều gì khiến bạn nghĩ bạn xứng
đáng chứng kiến cái chết của hắn?
“Giết nó! Quật chết nó! Thiêu nó!”. Tại sao nó trông quá sợ sệt trước
lưỡi kiếm? Tại sao nó không dũng cảm hơn? Dùng những sợi dây
trói kéo chúng vào trường đấu, và để chúng lao vào nhau với ngực
trần không khiên giáo chống đỡ. Khi nghỉ giữa hiệp: "Cắt tiết thêm
vài thằng, đừng để khán giả mất hứng chúng mày".
Thực ra, chúng không biết rằng những thứ chúng đang làm ảnh
hưởng nhiều nhất đến chính bản thân chúng. Ơn Chúa, khán
giả, những người chúng đang khơi gợi sự hoang dã thường
không đủ khả năng học được điều ấy.
Những người mà tâm trí chưa đủ vững để luôn có khả năng điều
khiển và làm chủ hành động, nên tránh xa đám đông. Vì rất khó để
làm chủ bản thân khi ta ở trong đám đông. Ngay cả Socrates, Cato
hay Laelius (những nhà thông thái, những tấm gương Stoics) cũng
vẫn nhận thấy sự lay động trong tâm trí bởi những suy nghĩ quá
khác biệt của đám đông. Còn chúng ta, những người chỉ mới bắt
đầu quá trình rèn luyện của mình, chắc chắn không thể chịu được
ảnh hưởng của những suy nghĩ tư tưởng tiêu cực ấy. Thói đam mê
hưởng thụ hay sự tham lam hoàn toàn có thể phá hủy toàn bộ
những cố gắng của ta trước đó. Chỉ cần một người bạn chơi bời
phóng đãng cũng có thể khiến ta khó có thể duy trì sự giản dị
của mình, một người hàng xóm giàu có khơi gợi những ham
muốn vật chất của bản thân, một đứa bạn hằn học khiến ngay
cả người dễ tính xởi lởi nhất cũng cảm thấy bị ảnh hưởng. Nên,
chả cần nói cũng rõ, điều gì có thể xảy đến với những phẩm
cách bạn đang cố rèn luyện nếu bạn chịu ảnh hưởng xấu từ
đám đông.
Có người đã nói, với đám đông bạn chỉ có 2 lựa chọn: hoặc bắt
chước, hoặc ghê tởm họ. Nhưng thực ra cả hai đều sai. Bạn
không nên bắt chước những người xấu dù họ là phần lớn của
thế giới, và ở phía ngược lại, đừng ghét cả thế giới chỉ bởi họ
không giống bạn. Hãy thu mình vào trong nhiều nhất có thể.
Dành thời gian cho những người có thể cải thiện bạn, làm bạn
tiến bộ, đồng thời chào đón những người muốn đến bên bạn để
học hỏi. Lợi ích sẽ đến với cả hai phía, vì dạy học thực ra cũng
là một cách để học.
Cũng đừng để ước muốn thể hiện tài năng lôi kéo bạn vào giữa đám
đông trong các cuộc đàm đạo hay tranh biện. Tôi sẽ mong bạn làm
thế nếu bạn có thứ gì thích hợp cho họ. Nhưng, nghĩ thử xem, bạn
sẽ nói đến sự quan trọng và cao quý của những phẩm cách này cho
ai? Có lẽ vài người sẽ đến nghe, nhưng ngay cả những người chịu
đến, cũng cần phải hướng dẫn họ khá nhiều trước khi bạn có thể
bàn những điều này với họ.
Bạn hỏi: “Vậy thì tôi học và rèn luyện những điều này cho ai?” Ồ,
làm sao bạn phải lo sợ điều đó, sự rèn luyện ít nhất là cho chính
bạn, và như vậy cũng đủ rồi.
Giờ thì, để những điều tôi học được ngày hôm nay không chỉ tốt đẹp
cho bản thân mình, để tôi chia sẻ với bạn 3 câu nói tuyệt vời này.
Democritus nói:
Với tôi, một người cũng có thể coi là cả một dân tộc, cũng
nhưng một dân tộc thực ra chẳng khác gì một người.
Tương tự, một người vô danh, khi được hỏi tại sao dành quá nhiều
thời gian và công sức cho một môn nghệ thuật có quá ít người theo
dõi, đã trả lời:
Một vài người là đủ, thậm chí một cũng đủ. Ngay cả ít hơn 1
người theo dõi cũng vẫn đủ cơ mà.
Câu thứ ba cũng khỏi nói. Đó lại là Epicurus, trong một lần viết cho
ông bạn triết gia của mình:
Tôi viết điều này không phải cho đám đông mà là cho bạn, vì
với tôi thế là đủ rồi, và hy vọng bạn cũng cảm thấy thế.
Hãy luôn lưu những lời này trong trái tim bạn, Lucilius, để bạn có thể
bỏ qua cái ham muốn được nổi tiếng và sự đam mê những tràng
pháo tay tán thưởng ngoài kia. Khi mà nhiều người ngưỡng mộ
bạn, hãy tự hỏi, liệu bạn có cảm thấy thực sự hài lòng với bản
thân nếu bạn là người mà tất cả bọn họ đều có thể hiểu? Hãy
để sự hài lòng với những phẩm cách của bạn đến từ bên trong.
Tạm biệt!
Chú thích: Seneca viết bức thư này trong thời đại của Nero, vị
hoàng đế La Mã nổi tiếng là độc ác và tàn bạo. Chính vì vậy nên
cũng không quá khó hiểu khi hình thức giải trí được ưa chuộng nhất
là đấu trường trong cái phiên bản hoang dại nhất của nó.
Nhận xét
Đăng nhận xét