Seneca những bức thư đạo đức 9

 Bức thư số 9: Liệu Thánh Nhân có cần bạn bè hay không ?

Bạn thân mến! 

Bạn viết rằng bạn rất muốn biết ý kiến của tôi trước việc Epicurus đã chỉ trích những người đã nói rằng thánh nhân thì có thể hạnh phúc một mình và vì vậy không cần đến bạn bè. Epicurus viết như vậy trong bức thư cho một người bạn của ổng. Những người bị Epicurus chỉ trích ở đây là cánh Stilpo. Họ cho rằng thứ đáng quý nhất là một tâm trí lành mạnh và không thể bị ảnh hưởng. 

Thực ra trong vấn đề này Stoics chúng tôi có lập trường khác với họ: Stoics cho rằng thánh nhân có khả năng chiến thắng mọi khó khăn hay bất hạnh, nhưng vẫn cảm thấy chúng. Còn cánh Stilpo thì khẳng định thánh nhân không bao giờ có thể cảm thấy điều gì là khó khăn hay bất hạnh. Dù hai bên chia sẻ quan điểm rằng thánh nhân hoàn toàn có thể sống hạnh phúc một mình, điểm khác biệt là Stoics chúng tôi cho rằng dù đó là sự thật, ông ta vẫn mong muốn có bạn bè, hàng xóm và những người thân thiết. 



Để có thể nhìn nhận rõ việc thánh nhân có thể sống hạnh phúc một mình, nghĩ về điều này: nhiều khi họ cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong một thân thể không còn toàn vẹn. Nếu cánh tay của ông ta bị chặt đứt trong chiến tranh hay vì bệnh tật, hoặc mắt của ông ta bị đui mù, phần còn lại của cơ thể vẫn là đủ, và bạn sẽ không nhận thấy bất cứ một nét gì của sự đau khổ trong cuộc sống cũng như thái độ của ông ta. Tuy nhiên, kể cả ông ta có không đau khổ về cánh tay bị chặt hay đôi mắt bị mù, thì ông ta vẫn biết rằng có cả 2 tay hay đôi mắt sáng vẫn tốt hơn. Tương tự, ông ta hạnh phúc không phải vì ông ta không muốn có bạn bè, mà là ông ta có thể chịu đựng sự không có bạn bè trong thanh thản. 

Nhưng, thực tế khó lòng tin được ông ta sẽ có lúc nào không có bạn bè, vì với thánh nhân việc tìm được một người bạn đâu có khó. Cũng giống việc Phidias (một nhà điêu khắc nổi tiếng) có thể dễ dàng làm một bức tượng mới nếu một trong những sản phẩm của ông bị mất, thánh nhân cũng sẽ sử dụng nghệ thuật kết bạn để có được một người bạn mới nếu như ông ta mất một người. Có lẽ bạn sẽ hỏi làm thế nào ổng có thể kiếm bạn dễ thế? Để tôi chia sẻ với bạn lời khuyên của Hecaton:

Có một thứ kết nối yêu thương mà không cần đến chất kích thích hay bùa chú: đó là sử dụng tình yêu của bạn. Hãy yêu, nếu bạn muốn được yêu.

Hơn nữa, thực ra việc khởi nguồn và xây dựng tình bạn cũng có cái thú của nó. Sự khác biệt giữa việc sở hữu một tình bạn đẹp và xây dựng nó cũng giống như thu hoạch và gieo trồng. Thậm chí, Attalus đã nói: Việc kết bạn mới và xây dựng tình bạn thực ra thú vị hơn việc có một người bạn, cũng giống như với người nghệ sĩ, chính quá trình vẽ tranh mới là tuyệt vời, bức tranh chỉ là thành quả mà thôi. Sự tập trung toàn bộ tinh thần vào công việc tự nó tạo ra cảm giác sung sướng thăng hoa, dù cho kết quả có mỹ mãn và được đánh giá cao như thế nào cũng không thể sánh bằng. Hay nói cách khác, sau khi hoàn thành, người nghệ sĩ hưởng thụ thành quả của mình. Còn trong quá trình làm việc, người nghệ sĩ tận hưởng chính cái nghệ thuật ấy. Tương tự, thường ai cũng mong phải nhanh chóng trưởng thành, mà không biết được chính quá trình trưởng thành mới thực sự ngọt ngào và đáng để tận hưởng.

Quay lại với chủ đề chính của chúng ta. Dù thánh nhân có thể hạnh phúc 1 mình, ông vẫn luôn mong muốn có bạn bè. Nếu không phải vì lý do gì khác, ông ta cũng muốn có người để bàn về những phẩm cách trong cuộc sống. Thực ra động cơ của thánh nhân không giống với những gì Epicurus đã viết: "để có người ngồi cạnh ông ta lúc ốm đau, hay giúp đỡ ông lúc tù túng hoạn nạn". Ngược lại, mục đích của thánh nhân là để có thể ngồi cạnh lúc bạn mình ốm đau, hay đưa tay giúp đỡ khi bạn mình tù túng hoạn nạn. Ai mà mong kết bạn chỉ vì lợi ích của mình sẽ không thể có một tình bạn lâu dài. Tình bạn bắt đầu bằng thứ gì sẽ kết thúc bằng thứ ấy. Nếu bắt đầu bằng lợi ích, sẽ kết thúc khi lợi ích không còn. Thứ ấy có lẽ thường được gọi là bè chứ chả phải bạn (kiểu kiểu vậy, mình không tìm được cụm nào trong tiếng Việt giống với fair-weather friendship).

Giống với việc ta thường thấy người giàu thì có nhiều "bạn" xung quanh, nhưng khi sa cơ thì y như rằng bặt tăm chẳng thấy mặt một ai hết: bọn chúng bỏ đi hết vào đúng lúc chúng có cơ hội để chứng minh tình cảm bạn bè. Vậy nên mới có bao điển tích truyện xưa về những người bạn bỏ rơi hay phản bội lẫn nhau.

Tôi muốn nhắc lại một lần nữa, người nào kết bạn chỉ vì những động cơ cá nhân thì cũng sẽ chấm dứt tình bạn khi mà những động cơ ấy không còn nữa. Một khoản tiền nào đó đôi khi cũng có thể cắt đứt tình bạn.

"Tại sao lại phải kết bạn?" Để có một người tôi có thể chết vì, để có người bầu bạn khi tôi bị lưu đày, hay để có một người mà tôi có thể cứu số phận, dù có phải hy sinh bản thân mình. Nghe thì cao đẹp đấy, nhưng về bản chất ngay cả những thứ đao to búa lớn ấy thực ra cũng giống với vụ kinh doanh hơn là một tình bạn, vì chung quy lại chúng cũng chỉ mang mục đích làm người nói cảm thấy mình cao cả mà thôi.

Thêm nữa, không ai nghi ngờ tình yêu chính là một biểu hiện đặc biệt của tình bạn. Có người còn nói tình yêu là tình bạn ở cái đỉnh cao điên khùng của nó. Vậy, thử hỏi có ai thực sự yêu mà nghĩ đến lợi ích hay không? Hay chỉ vì đam mê, hay vì chiến thắng? Khi thực sự yêu thì tình yêu là tất cả. Tuy nhiên, nó tác động xấu đến tâm trí bởi ước muốn có được người kia (tức là muốn một thứ mà mình không thể kiểm soát hoàn toàn, còn phụ thuộc vào ý muốn của người kia nữa). Vì vậy, có lẽ ta cần phải cẩn thận với cảm xúc của mình, dù cho chúng thường đến từ một cội nguồn cao quý hơn (từ thứ cao quý là tình yêu, dẫn đến cảm xúc xấu là muốn chiếm đoạt).  

Bạn nói: "Câu hỏi của chúng ta không phải về việc liệu tình bạn bản thân nó có đáng giá hay không". Ngược lại, đó chính là là điều ta cần phải bàn tới. Vì nếu tình bạn là xứng đáng để ta cố gắng, thì thánh nhân nên cố gắng vì nó. Vậy, ông ta sẽ phải làm thế nào? Như cách mà các nghệ sĩ làm ra những thứ đẹp đẽ thiêng liêng, không phải vì lợi nhuận, và không bị ảnh hưởng bởi tính hay thay đổi của thời cuộc. Sự cao quý của tình bạn sẽ bị mất ngay khi một người trong đó nghĩ đến những lợi ích của mình.

Thánh nhân thì thường hạnh phúc một mình. Bạn tôi ơi, có quá nhiều người diễn giải nhầm câu này. Họ cô lập ông ta với cuộc đời. Sự thực là, ta cần phải đặt ra ranh giới cho câu khẳng định ấy và việc diễn giải nó xa đến đâu. Thánh nhân có thể sống hạnh phúc một mình, điều ấy đúng, nhưng là nếu ta xét về một cuộc sống danh dự với những phẩm cách của con người, chứ không phải là cái sống trong toàn thể. Vì cái sống trong toàn thể đòi hỏi thánh nhân cũng phải có những mối quan hệ với bạn bè, người thân, thậm chí là những người xung quanh ông. Nhưng khi xét về việc sống một cách danh dự và thanh cao, thì một người chỉ cần có một tâm trí lành mạnh, luôn bình thản và không bị ảnh hưởng bởi sự đời là đủ.

Một thứ bạn cũng nên biết là sự phân biệt của Chrysippus. Ông ấy nói rằng dù đúng là thánh nhân không (bao giờ) thiếu thứ gì, ông ta vẫn có rất nhiều thứ ông ta dùng đến trong cuộc sống. Ngược lại, thằng ngốc thì chẳng dùng được cái gì nên hồn, mà nó lại thiếu thốn mọi thứ. Thánh nhân vẫn dùng đến mắt mũi chân tay cho những công việc hằng ngày, nhưng ông ta không bao giờ thiếu thứ gì. Vì thiếu tức là cần, mà cần tức là đã phụ thuộc vào thứ bên ngoài tâm trí rồi.

Vì vậy, dù cho ông ta có thể hoàn toàn hạnh phúc một mình, ông ta vẫn có bạn bè, và thậm chí muốn có càng nhiều bạn càng tốt. Nhưng, ông ta muốn vậy không phải là để có một cuộc sống danh dự và tốt đẹp, vì điều đó hơn ai hết, ông ta biết rõ chỉ có thể xuất phát từ bên trong mà thôi. Nếu bạn tìm kiếm hạnh phúc từ bất cứ thứ gì bên ngoài, bạn sẽ trở thành nô lệ của số phận (hay thần may mắn).

Nhưng, cuộc sống của thánh nhân sẽ như thế nào nếu ông ấy thiếu vắng bạn bè do bị bắt, bị lưu đày đến một nơi nào khác, như trên một sa mạc chẳng hạn? Đó chính là cuộc sống của Jupiter khi mà thế giới chưa bị tách biệt, khi mà toàn bộ các vị chúa chỉ là một. Tức là ông ấy dành thời gian với bản thân mình, và thoải mái với hoàn cảnh như thế. Ông ấy tìm về bên trong và chấp nhận là bạn của chính mình.

Tuy nhiên, ngay khi có thể, ông ta sẽ vẫn kết bạn, có vợ, có con. Thứ thôi thúc ông ta kết bạn không phải là lợi ích của ổng, mà là đặc tính tự nhiên của loài người, vì con người vốn là một sinh vật mang tính cộng đồng. Khó ai có thể chấp nhận sự cô đơn trong một thời gian dài. 

Mặc dù thánh nhân yêu bạn bè và người thân sâu sắc, coi họ như bản thể của chính mình, ông ấy vẫn luôn ghi nhớ rằng thứ quan trọng nhất chỉ là tâm trí, tức là thứ ở bên trong mà thôi, giống như những gì mà Stilpo đã làm. Quê hương của Stilpo bị xâm lược, vợ con bị giết, nhưng ông ta vẫn sống. Khi mà kẻ thù hỏi ông có mất mát điều gì không, ông ta trả lời: “Không. Tất cả những thứ giá trị đều còn lại với ta”. Thật dũng cảm và can trường: ông ta làm cho chiến thắng của kẻ thù trở nên vô nghĩa. Ta không mất mát gì cả, ông ta nói, và khiến kẻ thù tự hỏi liệu chúng có thực sự thắng hay không. “Tất cả những thứ giá trị vẫn còn với ta” - ông ta ý chỉ sự dũng cảm, sự công bằng, sự thông thái, và cái suy nghĩ rằng không có một thứ gì thực sự có giá trị có thể bị lấy mất. Chúng ta thường kinh ngạc nhìn những con vật vượt qua ngọn lửa mà không bị thương tật. Vậy, sẽ thế nào nếu ta có thể thấy một người vượt trên những thứ khủng khiếp hơn nhiều: lửa, kiếm, và sự hủy hoại tàn ác của kẻ thù, mà vẫn có thể hiên ngang đến vậy. Bạn thấy không, đôi khi đánh bại cả một dân tộc còn dễ hơn đánh bại một con người như thế. 

Những câu nói của Stilpo luôn được chia sẻ với sự kính trọng trong trường phái Stoicism chúng tôi. Ông ấy là tấm gương mà chúng tôi muốn hướng tới trong cuộc đời, người có những phẩm cách đủ để vượt qua tất cả những khổ đau nghiệt ngã nhất của cuộc sống. Mà, chính những đau khổ ấy lại làm nên vinh quang của ông.

Nhưng đâu chỉ riêng Stoics chúng tôi trân trọng những lời ấy. Chính Epicurus, dù đã quá nhiều lần chỉ trích Stilpo, cũng đã nói điều tương tự.

Bất cứ ai không tin rằng những thứ mình có là đủ, sẽ luôn đau khổ, dù cho hắn ta có là bá chủ thế giới. 

Hay: Khốn khổ thay, người không thể cảm nhận được hạnh phúc trong tâm mình, dù có cả thế giới dưới chân cũng vậy mà thôi.  

Nhưng, để bạn nhớ suy nghĩ ấy thực ra rất phổ biến, tức là chả có của nợ gì to tát triết học, câu nói sau đây là từ một ông nhà thơ trào phúng:

Không ai thực sự hạnh phúc khi bản thân không thực sự tin điều ấy.

Nếu bạn nghĩ một hoàn cảnh là bất hạnh, thì sự thực là hoàn cảnh ấy rất bình thường và xảy đến với hàng tỷ người trong cuộc sống cũng đâu có gì quan trọng?

Nhưng, bạn nói, vậy còn ông A với những đồng tiền nhơ bẩn của mình, hay ông B với bao nô lệ và bản thân ông thì nịnh nọt 1 đống quan chức để giữ sự giàu có, thì sao? Nếu bất cứ ai trong 2 người họ có thể nói cuộc sống của họ là tốt đẹp, thì liệu điều đó có nghĩa lý gì không?

Bạn phải nhớ, điều mà người ta nói thường không quan trọng. Quan trọng là điều người ta nghĩ. Và cũng không phải suy nghĩ trong 1 khoảnh khắc, mà là suy nghĩ qua thời gian. Mà thôi, bạn cần gì bận tâm đến việc nhiều thứ vẫn được thần may mắn ban cho những người không xứng đáng. Chỉ có những người thông thái mới có thể cảm thấy thoải mái với những gì mình có, còn bọn ngu ngốc thì dù có bao nhiêu chúng vẫn cứ không thể thỏa mãn, và vì vậy chúng vẫn sẽ đau khổ trong cái sung sướng vật chất bề ngoài của chúng mà thôi.

Tạm biệt!

Nhận xét