Seneca những bức thư đạo đức 14
Bức thư số 14: Về một cuộc sống an toàn
Bạn thân mến!
Tôi thừa nhận rằng con người bẩm sinh đã yêu quý cơ thể mình, và có bổn phận phải chăm sóc nó. Tôi cũng không tiêu cực đến độ phủ nhận tất cả những nuông chuộng bản thân. Thứ mà tôi muốn nhấn mạnh với bạn là: ta không nên là nô lệ của thân xác mình. Một người là nô lệ của cơ thể sẽ luôn cảm thấy sợ hãi làm đau nó, sẽ chỉ quan tâm đến nó, từ đó vô tình trở thành nô lệ của nhiều thứ khác nữa. Thay vào đó, chúng ta nên hành xử, không phải như thể cơ thể là lý do chính để chúng ta tồn tại, mà như thể nó chỉ là một thứ cần thiết cho cuộc sống. Thêm nữa, ai đó quá yêu cơ thể mình sẽ dễ bị làm cho khổ sở và thất vọng vì những lời dè bỉu chê bai. Và những phẩm cách sẽ trở nên rẻ rúng nếu một người quá coi trọng thân xác.
Vì vậy, hãy cứ cẩn thận chăm sóc nó, nhưng khi mà hoàn cảnh thử thách lý trí, danh dự, hay lòng trung thành của bạn, hãy dũng cảm mà vứt thân xác mình vào biển lửa.
Dù vậy, ta cũng nên tránh, không chỉ những hiểm nguy mà ngay cả những sự thiếu tiện nghi dù là nhỏ nhất, và rút lui vào trong vòng an toàn, để có thể nghĩ thêm nhiều cách đối phó với những nỗi nguy nan có thể đến trong đời. Nếu tôi không nhầm, những thứ khiến ta sợ thường nằm trong ba nhóm sau: nghèo nàn, bệnh tật, và sự độc ác bạo hành từ những kẻ quyền thế. Trong ba nhóm ấy, có ảnh hưởng lớn nhất đến ta là nhóm cuối cùng, bởi vì nó thường đến với một loạt những tin đồn và những hành động dọa dẫm. Hai nhóm đầu, nghèo nàn và bệnh tật, thường đến trong im lặng, và chúng không có thứ gì có thể khủng bố các giác quan của ta. Nhưng những tai ác đến từ những kẻ cầm quyền thường được làm quá lên để khiến ta run sợ: chúng được gắn với lửa và kiếm, với xiềng xích, với những con vật hoang dã hung bạo. Tưởng tượng đến tù ngục, đến giá treo, đến những cái móc sắt, cái cọc đâm xuyên qua bụng lên đến miệng, hay chân tay bị giật đứt trong tứ mã phanh thây, hay những mảnh quần áo tàn tạ đầy những vết máu che đi những vết bỏng lửa, và những thứ khác mà sự tàn bạo của con người có thể bày ra. Không ngạc nhiên khi chúng khiến ta kinh sợ, vì chúng đến từ quá nhiều những cực hình và những dụng cụ tàn bạo. Sự tra tấn tỏ ra hiệu quả nhất là khi đống dụng cụ được trưng ra trước mặt nạn nhân. Tương tự như vậy, trong những thứ có thể khuất phục tâm trí, ảnh hưởng lớn thường đến từ những thứ có thể trưng ra trước mắt ta. Những tai họa khác không hề kém phần nghiêm trọng, như chết đói, chết khát, cơ thể mục rữa, cơn cồn ruột như lửa đốt, là không thể thấy được. Chúng không thể được mắt thấy tai nghe, trong khi trước những kẻ cầm quyền độc ác, cũng giống như chiến tranh, ta nhìn thấy những thứ bên ngoài như giáp trụ vũ khí và những cuộc hành quân đầy sức mạnh.
Chính vì vậy, hãy cố kiềm chế và tránh xúc phạm đến chúng. Một mặt, chúng ta thường sợ những kẻ cầm đầu đám đông, mặt khác, nếu chính quyền được định hình bằng cách nghị viện điều hành mọi thứ, ta cần tránh những người nắm quyền ở đó, hay những người được nó trao quyền cai quản dân chúng. Sẽ cần rất nhiều nỗ lực để kết bạn với tất cả bọn chúng, vì vậy dễ dàng hơn là đừng để ai trong số chúng trở thành kẻ thù của bạn.
Nói cách khác, kẻ khôn sẽ không bao giờ làm gì khiến bọn cầm quyền giận dữ, mà sẽ tránh xa chúng, giống như cách thuyền trưởng hướng tàu ra xa khỏi tâm bão trên biển. Khi bạn hướng đến Sicily, bạn phải vượt qua eo biển. Kẻ lái tàu thiếu kinh nghiệm sẽ phớt lờ những nguy hiểm từ gió Nam (bởi gió Nam chính là nguyên nhân khiến biển Sicily động và tạo nên những con sóng bạc đầu), không men theo bờ biển bên trái mà lại theo hướng ngược lại, nơi gần với xoáy nước Charybdis. Nhưng người lái tàu dày dạn thì khác, họ sẽ hỏi han những ai thân thuộc với biển cả vùng này, về thủy triều, về cách đọc dấu hiệu đến từ những đám mây, và lúc nào cần đánh lái tránh xa những quãng trở gió có thể khiến lật tàu. Người khôn ngoan cũng sẽ làm tương tự như vậy. Ông ấy sẽ tránh những người quyền lực, những người có thể đe doạ hay làm hại ông, nhưng làm việc đó một cách vô cùng cẩn thận không để ai nhận thấy (là ông tránh những kẻ đó). Bởi đó cũng là một phần quan trọng: phải thận trọng mà tìm tới an toàn, vì việc lẩn tránh thường cũng là lý do để kết tội.
Vậy nên, hãy tìm lấy lối thoát an toàn cho bạn giữa đám đông. Đầu tiên, hãy hướng những mong muốn của bạn đến những thứ khác họ. Vì ở đâu có cạnh tranh, ở đó sẽ có xung đột. Sau đó, hãy đừng sở hữu thứ gì đáng để kẻ khác nhòm ngó, đặc biệt là những thứ trên người bạn. Nếu bạn để ý kỹ, gần như không một kẻ nào giết người chỉ để thấy máu chảy. Hầu hết mọi tội ác đều từ tính toán thay vì từ lòng căm thù đơn thuần. Nếu một người trần trụi, kẻ trộm sẽ bỏ qua anh ta. Vậy nên mới nói người nghèo cũng có cái yên bình của họ, ngay cả khi có những cuộc tập kích trong khu vực.
Tiếp đến, hãy luôn ghi nhớ trong đầu 3 thứ nên tránh, như các cụ đã dặn: sự căm thù, ghen tị và khinh miệt. Sự thông thái và hiểu biết sẽ chỉ cho bạn cách thức.Rất khó để cân bằng một thứ với những thứ còn lại: khi ta cố tránh làm người khác bực bội, chúng ta cũng phải cẩn thận tránh những khinh miệt. Ý tôi là, cũng giống như khi ta cố gắng kiềm chế không lấn át một ai, ta có thể tạo ra cảm giác rằng mình dễ bị lấn át. Với nhiều người, chính cái quyền lực nơi họ khiến người khác phải sợ sệt lại tạo ra những lý do cho chính họ để sợ sệt (mình đoán ý Seneca ở đây là khi có quyền lực, những người khác phải sợ bạn, nhưng chính bạn lại sợ việc mất đi quyền lực ấy từ cả những kẻ ở trên bạn lẫn những kẻ dưới nhăm nhe chiếm vị trí của bạn). Vậy nên hãy kiềm chế cả hai. Thực ra, được người khác sợ sệt cũng có hại như khi bị khinh thường.
Bởi vậy, hãy để ta có được cái an yên trong triết học. Giống như chiếc áo choàng của cha xứ, triết tạo cho bạn cảm giác thiêng liêng không thể xâm phạm, không chỉ đối với những người tốt mà thậm chí ngay với những người xấu trong cuộc sống mỗi ngày. Vì, tài hùng biện, hay bất cứ cách nào khác để lấy được lòng dân, cũng sẽ mang lại cho bạn những kẻ thù. Nhưng triết học, thứ kín đáo và yên bình giữa đời ồn ã, thứ chỉ quan tâm đến bản chất bên trong của mỗi người, không thể bị thù địch. Thực tế, nó được tôn vinh hơn bất cứ kiến thức nào khác, ngay cả với những người tồi tệ nhất. Sự khôn lỏi không mang lại sức mạnh thực sự, kể cả khi chúng có hội tụ lại nhằm chống những phẩm cách, và triết học sẽ mãi mãi được tôn sùng vì sự thiêng liêng của nó.
Tuy nhiên, ta cũng phải nhớ rằng triết học cần được rèn luyện một cách thầm lặng và có điều độ không phô trương.
Cái gì? Bạn hỏi. Ông thực sự nghĩ Cato luyện nó một cách điều độ, Cato, người luôn lên tiếng trong cuộc nội chiến? Cato, người dám dũng cảm đặt mình giữa những tên cầm đầu độc ác và quyền lực nhất? Trong tình cảnh bất cứ người nào khác chỉ có thể lựa chọn hoặc là theo Pompey hay Ceacar, Cato đã dám đặt mình ở giữa và thách thức cả hai. Từ đó, một người chắc sẽ tự hỏi liệu thánh nhân hay những người thông thái có nên tham gia vào chính trường hay không.
Ông đang hướng tới điều gì, Cato? Cuộc chiến không phải vì tự do, vì nó đã đã không thể được lấy lại nữa rồi. Câu hỏi chỉ là ai trong 2 người họ, Ceasar hay Pompey, sẽ chiếm được La Mã mà thôi. Vậy, ông đâu có phận sự gì trong vấn đề này? Có gì khác biệt đối với ông nếu ai trong 2 người đó lên ngôi đâu. Có thể người tốt hơn sẽ thắng, nhưng chiến thắng ấy cũng chỉ đến từ một tình trạng đầu rơi máu chảy tệ hại hơn mà thôi.
Tôi đã nhắc đến Cato lúc cuối đời, nhưng ngay cả những năm tháng trước đó, thời cuộc cũng khiến ông ấy không thể có được quyền lực tối cao. Vậy, khi biết chắc rằng mình không thể có chiến thắng trọn vẹn, tại sao ông ấy vẫn đứng lên và nói những điều mình tin tưởng? Khi mà ông ấy đã có lúc được tôn thờ bởi dân chúng, nhưng lại bị khước từ bởi tòa án, từ những trò bẩn thỉu của chúng. Rồi lần khác bị đuổi khỏi nghị viện và bị nhốt vào tù.
Nhưng, chúng ta sẽ bàn về việc liệu người khôn ngoan có nên tham gia chính sự hay không sau. Lúc này, tôi muốn nhắc bạn nhớ đến những người Stoic đã từ bỏ chính sự và cống hiến cuộc đời họ cho việc tìm cách làm chủ cuộc đời và thiết lập những quy tắc sống cho mỗi người, mà không chống đối bất cứ một thế lực nào. Vì người khôn ngoan sẽ không làm xáo trộn nhịp điệu của cuộc sống, và ông ấy cũng sẽ không thu hút sự chú ý bởi những hành động kỳ quặc của mình.
Bạn thắc mắc: “Liệu những người áp dụng cuộc sống như thế có thực sự an toàn hay không?”. Tôi không thể hứa với bạn điều đó, cũng như tôi không thể khẳng định với bạn là người sống điều độ sẽ luôn khỏe mạnh; dù rõ ràng là việc sống điều độ sẽ có lợi cho sức khỏe của bạn hơn. Lịch sử đã cho thấy, tàu bè vẫn luôn có thể chìm ngay gần bờ, vậy bạn nghĩ sao nếu ta đưa chúng ra giữa biển khơi? Tương tự như vậy, cuộc sống bận rộn sẽ nguy hiểm hơn thế nào, khi mà ngay cả một cuộc sống ẩn dật an nhàn cũng tiềm ẩn những hiểm họa trong nó? Ngay cả những người ngây thơ hiền lành nhất vẫn có thể bỏ mạng, ai có thể phủ nhận điều đó? Điều ta có thể khẳng định chỉ là những tên tội phạm thì chết nhiều hơn. Người xưa đã nói: “Giáp có dày đến đâu, vẫn có chỗ sơ hở" mà.
Vậy nên, kẻ khôn sẽ cân nhắc về mục đích nhiều hơn là kết quả. Việc quyết định làm hay không, bắt đầu một việc gì đó, nằm trong quyền quyết định của ta, trong khi kết quả còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác có thể đến trong quá trình thực hiện, hay ngay cả vận may thời cuộc, những thứ ta hoàn toàn không kiểm soát được. “Vô tình chết trong tay kẻ trộm thì đâu có gì để suy nghĩ”.
Để kết thúc bức thư này, để tôi “gửi vàng” cho bạn.
Kẻ biết hưởng thụ sự giàu sang nhất là kẻ ít cần đến nó nhất.
Ai đã nói vậy, bạn hỏi. Tôi cũng không chắc, hoặc là Epicurus, hoặc là Metrodorus, hay một ai đó từ trường phái của họ. Nhưng ai nói thực ra đâu quá quan trọng? Người đó nói cho tất cả chúng ta.
Ai cần đến tài sản sẽ luôn sợ hãi cho khối tài sản của mình. Nhưng không ai được tận hưởng thực sự khi vẫn còn lo lắng. Ai càng cố tích lũy, không ngừng bận rộn với những tính toán thiệt hơn được mất, sẽ quên mất việc hưởng thụ những lợi ích mà tài sản mang lại. Cứ mãi thu thập hóa đơn, cân đo đong đếm, lật sổ sách, và hắn vô tình biến mình thành thằng quản lý thay vì làm một ông chủ thực thụ.
Tạm biệt!
Nhận xét
Đăng nhận xét