Seneca những bức thư đạo đức 16
Bức thư số 16: Nếu Chúa hay định mệnh quyết định tất cả, còn gì cho Triết học hay không?
Bạn thân mến!
Như đã nói trong thư trước, tôi tin bạn biết rõ rằng không một cuộc
đời thực sự hạnh phúc nào (hay ít nhất là có thể mỉm cười sống qua
ngày) mà không có triết (ý này quên bài trước chưa chú thích, triết ở
đây bạn cần hiểu khác một chút với định nghĩa hẹp bây giờ nhé. Vì
thời ấy triết cực kỳ rộng, có thể nói không gì khác ngoài sự suy
ngẫm của một người. Với Stoicism, nó thường được chia làm 3
thành phần: đạo đức, vật lý và lý luận - ethics, physics and logic)
Nhưng, ta cũng nên nhớ rằng, dù rõ ràng sự thông thái mới
mang đến một cuộc sống hạnh phúc, thì việc mới tiếp xúc với
triết cũng có thể cải thiện thái độ đối mặt với cuộc đời của một
người rồi.
Những điều này nên được nghiệm lại qua từng ngày. Vì nắm được
nó thì dễ, chứ để vươn tới được mục tiêu cao đẹp ấy thì phải cần rất
nhiều nỗ lực. Vậy nên cần kiên trì và cải thiện mình qua rèn luyện
thường xuyên, cho tới khi mà những nỗ lực tuyệt vời ấy tạo nên một
tâm trí sáng suốt.
Tương tự, bạn không cần phải giải thích dài dòng hay cam kết gì với
tôi cả. Tôi hiểu rõ rằng bạn đã đi được khá xa trên con đường phát
triển bản thân mình. Tôi biết những thứ bạn viết đến từ đâu. Không
làm màu hay show off, chúng đến từ bên trong bạn. Tuy nhiên, tôi
vẫn phải nói: tôi đặt kỳ vọng nơi bạn, nhưng vẫn chưa thực sự tin
tưởng rằng kỳ vọng ấy sẽ thành.
Và tôi mong bạn cũng có thái độ như thế với bản thân mình, vì bạn
cũng biết rằng chưa có lý do gì rõ ràng để bạn có thể tự hào về bản
thân lúc này.
Thử thách bản thân, quan sát nó, kiểm soát nó trong những
hoàn cảnh khác nhau. Trên tất cả, hãy xem xét xem những tiến
bộ của bạn là về triết, hay chỉ vì bạn sống lâu hơn nên có kinh
nghiệm cũng như hiểu biết nhiều thêm về cuộc sống mà thôi.
Triết không bao giờ là mánh khóe để thu hút khán giả, hay về
những thứ ta cố gắng có được chỉ để khoe khoang. Triết học,
cốt ở hành động, chứ không phải lời nói.
Một người không chọn nó chỉ để có một khoảng thời gian nghỉ ngơi
thú vị, để tránh sự nhàm chán. Nó đúc nặn, uốn nắn tâm trí, thiết lập
cuộc sống và định hình hành động, chỉ cho ta thứ nên và không nên
làm. Nó ra tay lèo lái con thuyền cuộc đời ta khi ta đang quay cuồng
trong những con sóng của sự không chắc chắn. Không có triết, cuộc
đời nào cũng sẽ chỉ toàn những thứ bận rộn và lo lắng. Vì vô số thứ
diễn ra mỗi giờ mỗi ngày cần có sự chỉ đạo định hướng mà chỉ có
triết mới có thể đáp ứng mà thôi.
Có người sẽ nói: "Triết có tác dụng gì cho tôi nếu định mệnh quyết
định tất cả? Hoặc nếu mọi điều đã được Chúa định sẵn?". Bởi vì
đâu thể thay đổi điều gì đã được viết sẵn, và cũng không thể lên kế
hoạch cho những sự không chắc chắn. Hoặc là Chúa, hoặc là định
mệnh đã lên kế hoạch cho tôi, quyết định những gì tôi sẽ làm, còn lại
gì cho tôi lên kế hoạch đâu cơ chứ.
Dù những nhận định ấy có cái đúng cái sai, hay tất cả đều đúng,
chúng ta vẫn phải cần đến triết. Có thể những luật không thể lay
chuyển của số mệnh sẽ cản bước ta, có thể Chúa, người phán xử
cuối cùng, chi phối mọi sự kiện, hay thần may mắn định đoạt sự
thành công của một người, và đánh đổ nó, không có gì thay đổi:
chính triết sẽ cứu vãn đời ta. Triết sẽ truyền cho ta niềm tin vào
Chúa, dạy at đi theo con đường đúng đắn, và cho ta sự vững tâm
kiên định từ bên trong mà bình thản đối mặt với những gì số mệnh
hay thần may mắn đem lại.
Nhưng đây chưa phải là thời điểm để bàn về thứ ta có thể làm nếu
đấng bề trên có quyền định đoạt, hay vận mệnh sẽ cuốn ta đi, hay
chỉ là những sự ngẫu nhiên tình cờ. Thay vào đó, tôi sẽ trở lại với
điều tôi đã nói lúc đầu, khuyên bạn, khích lệ bạn, đừng để những nỗ
lực rèn luyện tâm trí của bạn bị uổng phí. Duy trì chúng một cách
đều đặn, để những cố gắng bây giờ có thể trở thành những thói
quen trong tương lai
Tôi biết bạn đang mong chờ một thứ gì đó từ bức thư này. Thực ra
phần trên đã ẩn chứa rồi, nhưng để tôi tặng thêm cho bạn câu nói
này. Nó vẫn không phải của tôi, mà của người khác. Ồ mà tại sao tôi
phải nói nó "của người khác"? Bất cứ thứ gì người khác nói mà tôi
thấy đúng đều sẽ thuộc về tôi. Đây vẫn là câu nói của Epicurus:
Nếu bạn sống thuận theo tự nhiên, bạn sẽ không bao giờ
nghèo. Nếu bạn sống theo ý kiến của người người khác, bạn sẽ
không bao giờ giàu.
Những thứ cần thiết tự nhiên yêu cầu để duy trì cuộc sống là rất ít,
còn những thứ theo ý kiến đám đông thì không có giới hạn. Thử
nghĩ nếu bạn có tất cả của cải của những người giàu có, hay thần
may mắn đổ lên đầu bạn cả tấn vàng, trên người toàn kim cương đá
quý, ngay cả sàn nhà bạn cũng được lát đá quý, đúng kiểu đứng
trên tài sản kếch sù luôn ấy. Và cả những pho tượng, những bức
tranh quý nhất rải đầy nhà bạn. Liệu có gì mà bạn học được từ đó?
Chỉ là bạn sẽ mong có nhiều thêm. Những yêu cầu tự nhiên thì
giới hạn, còn từ những mong muốn sai lầm thì không thể dừng.
Vậy nên người ta mới nói là sai lầm nối tiếp sai lầm.
Những người chọn đi theo một con đường thì sẽ có điểm đến,
còn những kẻ lang thang vô định thì không.
Vậy nên hãy tránh những thứ vô giá trị. Nếu bạn muốn biết đâu là
thước đo, khi nào nhu cầu của bạn là thuận với tự nhiên, hãy tự
hỏi mình đâu là điểm dừng của nhu cầu ấy. Nếu nó càng ngày
càng xa và to hơn, thì bạn có thể chắc chắn nó không phải là
nhu cầu tự nhiên.
Tạm biệt!
Nhận xét
Đăng nhận xét