Seneca những bức thư đạo đức 18

Bức thư số 18: Về tháng cuối năm, tháng của ăn chơi và hội hè 

Bạn thân mến! Tháng cuối năm, thành phố như được hâm nóng trong không khí lễ hội. 

Những thói ăn chơi được thả ga cùng những cuộc hội hè đình đám, và ở mọi nơi ta cảm nhận được sự náo nức chuẩn bị cho những ngày tháng được cho là hoàn toàn khác biệt này trong năm. Nhưng nếu xét kỹ thì những sự khác biệt ấy đâu có tồn tại, như ai đó đã nói rất chuẩn rằng: Giờ tháng nào chả như tháng cuối năm (ý chỉ việc ăn chơi hội hè như cơm bữa, Seneca ở đây muốn lên án thói hưởng thụ). 



Nếu bạn ở đây cùng tôi thì hay biết mấy, ta có thể nói về suy nghĩ của bạn trong cách tiếp cận vấn đề này. Liệu ta có nên vững như kiềng ba chân, không thay đổi một chút nào những thói quen thường ngày và kiên định với con đường mình đã chọn? Hay ta nên cố gắng để đừng quá khác biệt với đám đông, và làm cho những bữa tối thịnh soạn hơn ngày thường, cũng như ăn mặc diêm dúa hơn. Thật lạ là những thứ trước đây chỉ xảy ra khi có biến cố, đảo chính hay khủng hoảng của chính quyền, nay ta lại làm vì vui thú trong những ngày lễ hội: ta thay đổi cách ăn mặc. 

Nếu tôi đoán đúng (dựa theo những gì tôi biết về bạn), bạn sẽ lựa chọn trung dung. Tức là bạn sẽ không muốn chúng ta giống hệt như đám đông với những chiếc mũ chóp kệch cỡm trên đầu, nhưng đồng thời bạn cũng không muốn chúng ta hoàn toàn khác biệt với họ. Bởi vì, thứ nhất, đây chính là thời gian mà mỗi người càng cần phải cẩn thận với việc kiểm soát tâm trí, để có thể tránh xa những thoải mái xa hoa trong khi mọi người đều hướng tới chúng. Vì nếu nó không hướng tới những thứ như thế, những thứ dẫn đến chơi bời phóng đãng và sự trượt ray của quá trình phát triển bản thân, tâm trí ta sẽ chứng tỏ một bản lĩnh kiên cường. Nó sẽ giúp ta duy trì sự tỉnh táo khi mà mọi người đều say khướt và nôn mửa ở mọi nơi. Nhưng, ở khía cạnh khác, nó cũng cho thấy sự khôn ngoan, khi không làm mình bị chú ý bởi sự khác biệt, dù chắc chắn không để bản thân bị cuốn theo cuộc chơi - tức là ta hành xử như người bình thường, nhưng với một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Bởi rõ ràng là một người hoàn toàn có thể tận hưởng dịp nghỉ lễ này mà không cần đến những chơi bời phóng đãng có hại cho tâm trí.

Nhưng tôi thực sự muốn mục kiến sức mạnh của tâm trí bạn. Vậy nên tôi sẽ cho bạn một thử thách mà những bậc thánh nhân đã đề ra. Đặt ra vài ngày khi mà bạn sẽ thử thách bản thân với một lượng thức ăn nhỏ, loại rẻ nhất, kém chất lượng nhất, và những thứ quần áo tồi tàn chất liệu kém vải thô, và tự hỏi bản thân: "Đây phải chăng là thứ tôi luôn sợ hãi?" Vì chính những lúc ta có được sự an yên khỏi những lo lắng trong cuộc sống là khi ta nên chuẩn bị cho tâm trí mình để đối mặt với khó khăn. Trong khi vận mệnh đang mỉm cười, điều khôn ngoan là chuẩn bị cho những thời điểm mà vận mệnh sẽ chống lại mình. Cũng giống như người lính thời bình vẫn luôn phải rèn luyện một cách khắc nghiệt, lập ra những hàng rào phòng thủ ngay cả khi không có kẻ địch nào uy hiếp, chuẩn bị trước với một nỗ lực hết mình, để khi phải thực chiến họ có đủ dũng cảm mà lao tới. Vậy nếu bạn muốn ai đó không bị động trước khủng hoảng hay khó khăn trong đời, chỉ có một cách là huấn luyện anh ta trước đó mà thôi.

Trở lại với thử thách tôi đã đưa ra cho bạn, đây chính là cách rèn luyện của những danh nhân mà mỗi tháng đều khiến bản thân họ phải đối mặt với đói nghèo đến gần như là khổ hạnh. Mục đích của nó là: nếu như họ đã luyện cho bản thân trong hoàn cảnh đó, nó sẽ không thể khiến họ sợ hãi trong tương lai.

Đừng nghĩ rằng tôi đang gợi ý cho bạn những thứ như "Bữa tối của Timon", hay "Đồ ăn của người nghèo", những trò giải trí mà bọn giàu có thường làm khi đã quá chán ngán với cao lương mỹ vị. Không, hãy để cho nệm rơm của bạn là thật, chăn làm bằng bao bì, bánh mỳ của bạn cứng và khó nuốt. Hãy thử chịu đựng nó 3 4 ngày liên tục, nhiều khi hơn thế, để nó không chỉ là một trò chơi mà thực sự là một thử thách. Tin tôi đi, bạn sẽ được trải nghiệm một thứ ngạc nhiên thích thú khi có thể thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu với một số tiền ít ỏi, và sẽ hiểu rằng bạn có thể thắng nỗi sợ nghèo đói bằng chính khả năng của bản thân chứ không cần thần may mắn phải mỉm cười. Bởi vì ngay cả số mệnh khắc nghiệt nhất cũng có thể cung cấp cho bạn đủ những thứ bạn cần. 

Nhưng cũng đừng cho rằng bạn đang làm điều gì đó to tát. Bạn chỉ đang làm điều mà hàng vạn người nghèo đói vẫn làm mỗi ngày. Hãy trân trọng bản thân mình một chút, nhưng là vì bạn đang làm những điều ấy mà không phải vì bị bắt buộc, và bạn sẽ thấy nó dễ dàng bất kể bạn luyện thường xuyên hay chỉ trong vài trường hợp. Hãy chấp nhận thử thách ấy, và biến nghèo đói thành bạn chứ không phải kẻ thù (có thể khiến ta sợ hãi). Khi đó vận mệnh sẽ không thể khiến ta bất ngờ. Bởi lẽ, chúng ta sẽ tận hưởng sự giàu sang một cách có ý nghĩa hơn rất nhiều nếu ta biết rằng nghèo đói thực ra chẳng có gì đáng sợ.

Ngay cả Epicurus, ông tổ của triết lý theo đuổi thoải mái tiện nghi, cũng có những ngày chỉ đơn giản là thoả mãn những nhu cầu thiết yếu của mình mà thôi, như cách để xem nó có ảnh hưởng gì đến sự tiện nghi của ổng hay không, và nếu nó có, thì bao nhiêu, và sự khác biệt có lớn đến nỗi mà người ta phải sống chết vì nó hay không. Đó là điều đã được ông ấy ghi lại trong bức thư cho người bạn Polyaenus. Thực tế, ổng còn hãnh diện vì có thể sống cả ngày chỉ với ít hơn một đồng, trong khi Metrodorus, người chưa đạt đến trình độ ấy, cần hẳn một đồng. Bạn đã bao giờ nghĩ một người sẽ no nê chỉ với bữa ăn như thế? Chắc chắn có, và thậm chí hơn thế nữa, còn có cả một sự thích thú không hề nhẹ hay dễ phai, mà là sự thỏa mãn vì những giá trị từ bên trong.

Bởi vì dù chả có gì quá lớn lao trong một bữa ăn chỉ với nước trắng và bánh mỳ thô, thì cảm giác mà không một điều bất hạnh nào có thể chạm tới ý chí của bạn cũng thực sự tuyệt vời. Thậm chí bữa ăn trong ngục tù còn sang hơn, vì người ta thường không quá khắc nghiệt với những kẻ đã phải chịu tù đày. Vậy thì ý chí phải lớn lao cỡ nào để có thể thử thách bản thân mình khi bạn hoàn toàn tự do như vậy. Đây chính là cách để trị tận gốc ảnh hưởng của vận mệnh, hay nói cách khác, "nắm đằng chuôi" sự không chắc chắn của cuộc đời.

Vậy nên, hãy bắt đầu đi bạn. Hãy đi theo con đường của những nhà thông thái, và định ra những ngày cụ thể mà bạn sẽ rời bỏ những thói quen xa hoa và làm quen với sự nghèo túng thuần khiết của cuộc đời. 

"Hãy vượt trên sự giàu sang 

Và để bản thân mình có được sự vinh quang của con người như Chúa trời đã ban tặng" 

(trích trong 1 bài thơ của Virgil) 

Không ai có thể vươn tới điều đó nếu không vượt trên cái tầm thường của giàu sang.

Không, đừng hiểu lầm là tôi đang ngăn cấm bạn giàu sang hay tích trữ của cải, mà chỉ là đừng để nỗi sợ mất chúng làm lu mờ lý trí của bạn. Và cách duy nhất để chế ngự nó là bạn phải chứng minh cho bản thân mình rằng bạn hoàn toàn có thể hạnh phúc mà không có của cải - theo cách bạn biết rõ là chúng có thể mất đi hay bị lấy đi bất cứ lúc nào. 

Giờ là lúc kết thúc bức thư này. Và như thường lệ, vẫn là một câu nói từ Epicurus: 

Tức giận quá mức là dấu hiệu của bệnh điên. 

Hơn ai hết, bạn biết rõ điều đó đúng phải không, bởi bạn có cả nô lệ và kẻ thù.

Nhưng thực ra cảm xúc này bộc lộ với bất cứ đối tượng nào, cả người bạn yêu cũng như người bạn ghét, và trong mọi hoàn cảnh từ các vụ kinh doanh đến những trò giải trí và cả những chuyện đùa. Nó cũng bất kể nguồn gốc từ điều gì đó to tát hay nhỏ nhặt: thứ duy nhất đáng chú ý là tâm trí bị kích động. Nó giống như một ngọn lửa: điều quan trọng không phải là độ lớn, mà là thứ gì nằm trên đường nó đi qua. Khi chúng là những thứ rắn chắc, ngay cả ngọn lửa lớn nhất cũng không thể làm hại chúng. Nhưng nếu chúng là những thứ khô hanh và bắt lửa, chỉ một đốm tàn cũng có thể gây nên chuyện. Vậy đấy bạn ạ: kết quả của cơn giận không kiểm soát là sự điên khùng. Vậy nên chúng ta cần tránh tức giận, không phải để mọi thứ trong tầm kiểm soát, mà để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính chúng ta. 

Tạm biệt!

Nhận xét