Seneca những bức thư đạo đức 33
Bức thư số 33: Về lý do tại sao tôi thôi kết thư bằng những câu trích dẫn, và về thái độ tự chủ trong việc học
Bạn thân mến!
Bạn đề nghị tôi nên tiếp tục kết thư bằng một vài câu nói hay, và tôi nên trích chúng từ những người đứng đầu trường phái của mình (Stoicism). Nhưng họ đâu có làm mình bận rộn với những câu nói văn hoa, mà thay vào đó họ chỉ tập trung vào những giá trị đích thực. Bạn biết đấy, sự chênh lệch chỉ xuất hiện khi một vài thứ được chú ý hơn những thứ khác. Nhưng một cái cây thì đâu thể được chú ý khi nó ở cạnh một rừng cây với chiều cao tương tự.
Thơ ca có đầy những câu nói văn hoa như ý bạn, và cả trong những văn bản lịch sử nữa. Vậy nên tôi không muốn bạn nghĩ chúng chỉ thuộc về Epicurus: chúng là tài sản của nhân loại, tức là của chính chúng ta. Nhưng ở ông ta chúng thu hút nhiều hơn sự chú ý, chỉ bởi chúng xuất hiện không thường xuyên, và bởi đó là một sự ngạc nhiên thú vị khi những phẩm cách được nhấn mạnh bởi một người đề cao những thoải mái tiện nghi trong cuộc sống (trường phái Epicurean cho rằng thoải mái tiện nghi là đích cuối cùng của cuộc sống, chính là trường phái đối lập với Stoicism). Đó, chí ít, là điều mà mọi người thường nghĩ về ổng; chứ với tôi, Epicurus thực sự là một người dũng cảm, ngay cả nếu ông ta mặc áo dài tay (thời ấy đàn ông ít ai mặc áo có tay). Dũng cảm, chấp nhận khó khăn, và một tâm trí vững vàng như thể đối mặt với chiến tranh, ta có thể tìm thấy chúng ở những người dân Ba Tư (với tay áo dài) giống như ở những người xắn tay áo lên mà lao vào công việc của chúng ta.
Vậy nên đâu có lý do gì để bạn yêu cầu những câu trích ấy. Những thứ nổi bật từ các tác giả khác có thể được tìm thấy dễ dàng trong bất cứ đoạn nào từ các tác phẩm của Stoicism. Vậy nên không giống như bạn tưởng, chúng tôi không luyện cho mắt mình thói quen chú ý đến những câu nói như vậy. Bởi với chúng tôi, người mua không thể bị thất vọng vì khi đi vào cửa hàng lại không tìm thấy những thứ có giá trị như những thứ được treo bên ngoài. Chúng tôi để họ lựa hàng từ mọi góc của cửa hàng, cũng giống như từ mỗi đoạn mà họ chọn đọc. Cứ cho là chúng tôi muốn giới thiệu cho họ vài đoạn riêng biệt: ai là người chúng tôi sẽ chọn? Zeno? Cleanthes? Chrysippus? Posidonius? Panaetius? Dù cùng trường phái nhưng mỗi người chúng tôi có sự tự do thể hiện quan điểm của riêng mình (tức là không ai trên ai, không ai dưới ai cả). Trong trường phái Epicurean, bất cứ thứ gì Hermarchus, hay Metrodorus nói, thường được gán cho tên tuổi của Epicurus - người đứng đầu trường phái, như cách họ tri ân sự dạy dỗ và che chở của ông ta. Chúng tôi, ngược lại, có rất nhiều tên tuổi, và tất cả đều giá trị như nhau, khiến chúng tôi không thể chỉ giới thiệu một người riêng biệt, ngay cả khi có cố nghĩ nên chọn ai. Tôi nhắc lại, chúng tôi không thể:
"Chỉ có người nghèo mới đếm số con vật trong đàn của mình".
Bất cứ khi nào bạn ngó qua, bạn sẽ đọc được một vài thứ đáng suy ngẫm nếu không nói rằng những thứ khác cũng như vậy. Bởi vậy, bạn cần phải từ bỏ hy vọng rằng bạn sẽ có thể nghiên cứu nhanh một phần tác phẩm của những người vĩ đại. Bạn cần phải đọc toàn bộ tác phẩm, và dồn toàn bộ công sức mình cho việc đó. Chủ đề được bàn luận trong cả tác phẩm, và những tác phẩm quan trọng như thế được viết mà không thể bị thiếu một phần nào.
Tuy nhiên, tôi không có vấn đề gì với việc bạn sẽ tìm hiểu từng ý chính của từng người, miễn là bạn phải nhớ đến hoàn cảnh và tính cách của người ấy trong khi suy xét. Một người đàn bà đẹp không phải là người mà cái mắt cá chân nho nhỏ hay đôi vai thon được ngợi ca, mà là người có mọi thứ cân xứng đến nỗi sự cân xứng ấy khiến ta không thể chú ý đến chi tiết.
Nhưng nếu bạn cứ kiên quyết, tôi sẽ không quá khó khăn với bạn, và sẽ đưa chúng ra hàng loạt. Có một đống những câu như thế, một người chỉ cần nhặt chúng ra, mà chẳng cần phải tổng hợp. Chúng không phải ở chỗ này chỗ nọ để cần phải chú ý, mà có một sự thống nhất và liền mạch.
Tôi chắc chắn chúng có ảnh hưởng lớn đến những người mới bắt đầu hay những người từ ngoài trường phái đến nghe. Bởi những câu nói ấy được dễ dàng chấp nhận khi chúng được tách ra và trích dẫn. Chính vì lý do đó mà chúng ta cho bọn trẻ học những câu nói hay để ghi nhớ. Chúng là những thứ mà đầu óc của một đứa trẻ cũng có thể hấp thụ, vì chưa có đủ tiềm lực cho những thứ lớn hơn. Nhưng thật đáng xấu hổ khi một người đàn ông trưởng thành, có đủ mọi năng lực lại phải tìm trong trí nhớ những câu nói văn hoa, được nhiều người biết đến. Hãy để ông ta đứng trên chính đôi chân của mình. Hãy để ổng tự nói những điều như thế. Thật hổ thẹn, khi một ông già mà còn phải dẫn chứng về sự thông thái của mình bằng cách lục tìm trong sách vở. "Đây là thứ Zeno đã nói" - vậy chứ ông nói gì? "Cleanthes đã nói" - vậy còn chính ông? Đến bao giờ ông mới thôi trích dẫn người khác? Hãy nhận lấy trách nhiệm vinh quang ấy: nói những thứ đáng được ghi nhớ, truyền lại cho đời những thứ từ chính bản thân mình.
Vậy nên tôi cảm thấy tất cả những người không bao giờ tự nói tự viết ra điều gì, nhưng luôn chỉ diễn dịch, núp dưới những cái bóng to lớn, không có chút gì đáng quý ở họ, bởi họ không bao giờ dám chuyển hóa những thứ họ đã học được thành sản phẩm của chính họ. Họ đã huấn luyện trí nhớ theo ngôn từ của người khác, nhưng nên nhớ rằng việc ghi nhớ giỏi là một chuyện, biết (và áp dụng được) lại là chuyện khác. Ghi nhớ giỏi là khi biết cách đặt những thứ mình cảm thấy có giá trị vào trong đầu; hiểu biết và áp dụng, ngược lại, là làm cho những thứ đó trở thành của ta, không cần phải dựa vào một hình mẫu, hay tìm kiếm người thầy nào cả. Zeno nói thế này, Cleanthes nói thế nọ. Hãy cho phép có khoảng cách giữa bạn và những cuốn sách ấy. Đến bao giờ bạn mới thôi là một cậu học trò? Đã đến lúc trở thành một người thầy. Tại sao tôi phải nghe những thứ tôi có thể đọc? “Vì nó thực sự khác biệt khi những thứ đó được nói ra”, bạn nói. Điều đó không đúng, khi mà người nói chúng ra chỉ là mượn từ người khác mà thôi.
Và một vấn đề nữa với những người như thế, những người không bao giờ nắm quyền tự chủ đời mình: họ bắt đầu bằng cách đi theo những người đứng đầu trong một phạm trù mà ai cũng cho rằng những người ấy là đỉnh nhất, rồi sau đó tiếp tục theo họ trong những phạm trù còn nghi vấn. Không gì sẽ được làm sáng tỏ hơn nếu chúng ta chỉ mãi theo những thứ đã được tìm thấy.
Vì kẻ đi theo thì sẽ chẳng thể thấy gì mới, không, họ còn chẳng có ý định tìm thứ gì mới.
“Vậy, ý ông là phải thế nào? Chẳng lẽ ta không nên đi theo con đường của tiền nhân?”. Không, ý tôi là ta vẫn sẽ đi theo con đường ấy, nhưng nếu ta tìm thấy một lối khác vẫn đúng hướng mà lại nhẹ nhàng ít chông gai hơn, hãy mạnh dạn đi theo nó. Những người đã làm nên lối mòn không phải là thầy ta (tức là ta phải nghe theo họ tất cả mọi thứ), mà chỉ là người đưa đường dẫn lối. Chân lý rộng mở cho bất cứ ai. Nó chưa, và chắc sẽ chẳng bao giờ được hoàn toàn tìm thấy. Còn rất nhiều điều cần làm cho những người đến sau.
Tạm biệt!
Nhận xét
Đăng nhận xét