Seneca những bức thư đạo đức 40

 Bức thư số 40: Về phong cách nói và diễn thuyết

Bạn thân mến! 

 Cám ơn bạn vì đã viết cho tôi thường xuyên, vì cho tôi thấy con người bạn, bằng cách duy nhất mà bạn có thể thực hiện điều đó. Nó chưa bao giờ làm ta thất vọng: mỗi khi nhận được thư bạn, tôi có cảm giác như ta thực sự ở cùng nhau. Nếu một bức chân dung của người bạn thân sẽ khiến ta vui sướng, làm sống lại những kỷ niệm trong trí nhớ ta, và làm nguôi ngoai nỗi buồn xa cách bằng một cảm giác thoải mái vui vẻ, dù chỉ là ảo tưởng; thì những bức thư còn có sức mạnh đến thế nào, khi nó cho ta niềm hân hoan được biết những tin tức chính xác và cập nhật từ người bạn của mình. Vì sự ngọt ngào của việc được nhìn thấy nhau cũng có thể được phần nào cảm nhận qua các bức thư, cùng những vết hằn tay bạn, và khoảnh khắc nhận ra chúng.

Bạn viết rằng bạn đã đến nghe triết gia Serapio khi ông ấy dừng chân gần chỗ bạn. “Nói nhiều và nhanh là phong cách của ông ta, không phải nhấn nhá và chậm rãi từng phần từng phần mà thay vào đó là tuôn ra những tràng dài và để con chữ đuổi nhau một cách vội vã. Có cảm giác một giọng nói là khó có thể đủ cho ông ấy”.

  Về phần mình, tôi không tán thành phong cách ấy ở triết gia. Một triết gia khi nói, dạy học hay diễn thuyết cần phải kiểm soát và điều độ, cũng giống như cuộc sống của ông ta. Nhưng đâu có thứ gì vội vàng lại có trật tự. Đó là lý do, trong tác phẩm của Homer, những phần nói nhanh và không gián đoạn - tựa những cơn bão tuyết, thường được giao cho các diễn viên trẻ, trong khi những đoạn thư thái nhẹ nhàng trôi chảy "như mật ngọt" thuộc về những nghệ sĩ gạo cội.



Tin tôi đi, những tràng dài ngôn từ chỉ thích hợp cho trình diễn, chứ không phải cho người muốn truyền đạt hay dạy những thứ nghiêm túc, quan trọng. Nhưng đồng thời, tôi cho rằng việc nói nhỏ giọt thì cũng tệ không khác gì nói nhanh. Một diễn giả không nên khiến ta mệt mỏi vì nghe họ, nhưng cũng đừng áp đảo người nghe. Một phong cách nghèo nàn, thiếu ngôn từ sẽ khiến người nghe không chú tâm, bởi họ sẽ sớm cảm thấy chán nản với sự truyền đạt quá chậm rãi và thường xuyên ngắt nghỉ; dù cho đúng là ta học dễ dàng những thứ khiến ta chờ đợi hơn là những thứ bay qua đầu ta. Ở phía ngược lại, chúng ta nói rằng điều hay lẽ phải được truyền lại cho thế hệ sau. Nhưng nhồi nhét bằng cách tuôn hàng tràng thì chắc chắn không thể là cách để truyền đạt.

Hơn thế nữa, bài nói hướng tới chân lý thì nên được để tự nhiên và giản dị. Phong cách nói nhanh đang rất phổ biến ấy không hợp với chân lý, nó chỉ tìm cách khiến đám đông ấn tượng, làm say mê những đôi tai không cảnh giác và cuốn chúng đi theo những cơn bão ngôn từ ấy mà thôi. Như thế, họ tránh được sự suy xét từ người nghe, và không để thời gian cho bất cứ sự tranh luận nào. Nhưng làm sao một bài nói có thể cung cấp cho chúng ta tính kỷ luật nếu chính nó không có tính kỷ luật? Nên nhớ rằng dạng diễn thuyết hay bài giảng mà ta đang bàn đến, thứ hướng tới mục đích chữa lành tâm trí, phải để người nghe ngấm thật sâu. Cũng giống như thuốc thang, nếu bạn không uống và để nó ngấm vào cơ thể, sẽ không có tác dụng. Dù sao đi nữa, cái phong cách phổ biến ấy thì trống rỗng và vô nghĩa, “nhiều tiếng hơn miếng”. Tôi cần một bài nói để trấn an nỗi sợ hãi, kiềm chế tính tình, xua đuổi những ảo tưởng, làm mất đi những thói xa xỉ, và lên án lòng tham vô độ. Thứ gì trong số chúng có thể được thực hiện bởi sự vội vàng? Có bác sĩ nào chữa bệnh khi đang di chuyển hay không?   

Bạn thử nghĩ mà xem, thậm chí ta còn chẳng thể cảm thấy chút thoải mái nào với sự ồn ào ấy, cứ cuốn vào nhau không một chút mạch lạc. Thường thì những thứ mà bạn chưa bao giờ nghĩ có thể xảy ra, bạn thường sẽ học được chúng sau một lần chứng kiến. Tương tự như vậy, với những người nói tràng giang đại hải: một lần nghe họ là quá đủ rồi. Vì có thứ gì trong bài nói của họ mà ta có thể học hay mong muốn làm theo? Có điều gì ta có thể nói về tâm trí họ khi mà bài nói của họ không trật tự, mất kiểm soát, và không thể ngắt nghỉ một cách hợp lý? Giống như một người đang lao xuống dốc thì không thể dừng khi ông ta muốn mà sẽ bị quán tính đẩy đi xa hơn, khi một người nói quá nhanh, chính anh ta cũng sẽ mất đi khả năng điều tiết nó, và vì thế phong cách ấy không thích hợp cho triết học. Triết cần phải đặt ngôn từ vào chỗ của nó, chứ không phải là tuôn chúng ra, vậy nên ngôn từ chỉ có thể ra một cách lần lượt mà thôi. 

"Ý ông là gì? Chẳng phải thỉnh thoảng triết gia cũng cao giọng và đẩy nhanh nhịp nói đó sao?". Đúng thế, nhưng là theo tính toán, và để bảo toàn cũng như làm rõ sự trang nghiêm của nội dung. Sự sôi nổi quá khích sẽ làm mất giá trị của nó. 

Triết nên có một sức mạnh vĩ đại, nhưng sức mạnh ấy vẫn là trong kiểm soát; nó phải như một dòng chảy mạnh, chứ không phải như lũ cuốn.

Tôi cũng không tán thành phong cách ấy ở những người biện hộ. Vì nó cứ thế tuôn ra một cách vô kỷ luật và không thể được thu lại. Làm sao hội thẩm có thể theo được? Đặc biệt khi có những người hội thẩm ít kinh nghiệm và chưa được huấn luyện. Ngay cả khi người biện hộ muốn lập tức thể hiện hiểu biết và khả năng biện hộ của mình, hay bị chi phối bởi cảm xúc, anh ta vẫn cần phải tiết chế tốc độ và sắp xếp những ý nghĩ chồng chất để người nghe có thể thu nhận.

Vậy nên bạn không có gì sai khi phớt lờ những người quan tâm nhiều hơn việc họ nói được bao nhiêu thay vì nội dung thực sự và chất lượng của những lời nói của họ. Và nếu có thể chọn, hãy chọn cách nói ngắt nghỉ có kiểm soát như Publius Vinicius - người nói lắp. Khi một người hỏi Asellius về bài nói của Vinicius, ông ấy trả lời: " Từng chút từng chút một". Dù cho Geminius Varius đã nói: "Tôi không hiểu tại sao bạn có thể coi ông ấy (Vinicius) là một diễn giả, ông ta thậm chí còn không thể chụm ba từ lại với nhau". Ngay cả như thế, sao bạn lại không nên chọn cách nói như Vinicius cơ chứ? Dù chắc chắn có những kẻ tếu táo có thể sẽ chê cười bạn, như lần một trong số chúng tình cờ nghe được Vinicius khi ông ta đang lựa chọn từ ngữ, như thể ông ta đang ra lệnh thay vì đang nói, và nói với ông ấy: "Nói đi, ông đang chuẩn bị nói gì đó đúng không?". Nhưng với tôi, nó vẫn là sự lựa chọn tốt hơn Quintus Haterius, dù ông này là người diễn thuyết nổi tiếng nhất thế hệ của ổng. Ý tôi là, cách nói nhanh của Haterius là thứ tôi nghĩ một người có hiểu biết nên tránh. Ông ta không bao giờ ngần ngừ, không bao giờ dừng; ông ta bắt đầu nói, và sẽ chỉ dừng khi kết thúc.

 (Lời người dịch: Đoạn này có chút mâu thuẫn với ý phần trên, khi Seneca cho rằng nói quá chậm cũng không tốt. Tuy nhiên, có lẽ ý Seneca muốn làm rõ là dù cả hai phong cách đều không hợp lý với triết học, thì nói quá chậm vẫn tốt hơn nói quá nhanh).

Tôi cho rằng có lẽ vấn đề phong cách cũng liên quan đến văn hóa và sự khác biệt của những nhóm người khác nhau. Người Hy Lạp thường sẽ dễ chấp nhận việc nói nhanh ấy hơn, còn chúng tôi ở La Mã thì tạo nên một thói quen ngắt nghỉ thường xuyên, ngay cả trong văn viết. Đơn cử như Cicero, một trong những người nổi tiếng nhất của chúng tôi về tài hùng biện và viết lách, cũng chọn phong cách thư thái từng bước một. Những bài nói của chúng tôi có nhiều hơn sự thận trọng, chúng tự đặt ra các giá trị của chính mình, nhưng cũng đón nhận những ý kiến đánh giá và phản hồi của người nghe.

Fabianus là một người đáng kính trọng, cả về phong cách sống lẫn sự uyên thâm của ông ta, và cũng rất có tài hùng biện, dù người ta ít biết đến nó hơn. Ông ấy thường chọn cách giảng bài chuộng tính hiệu quả hơn là sự nhiệt huyết. Người ngoài có thể đánh giá ông ấy thể hiện sự thanh thoát qua ngôn từ, nhưng không bao giờ nhận định ông ấy nói quá nhanh. Tôi cho rằng đó là phẩm cách của những người thông thái, dù tôi không nghĩ đó là một điều kiện cần. Vì nó chỉ giúp bài nói của ông ta được đưa ra một cách không có trở ngại mà thôi. Nhưng, rõ ràng nếu một bên là bày tỏ, một bên là tuôn ra, tôi sẽ chọn bày tỏ. 

Một lý do nữa khiến tôi muốn ngăn bạn khỏi thói nói nhanh đang thịnh hành ấy là vì bạn sẽ không thể có được nó nếu như bạn không đánh mất khả năng xấu hổ của mình. Bạn sẽ cần phải loại bỏ sự nhạy cảm, làm thô những cảm xúc của mình, và không bao giờ nghe lại những gì bạn nói. Cái phong cách tuôn trào không kiểm soát ấy sẽ mang theo nó rất nhiều điều khiến bạn hối hận và tự trách bản thân. Để tôi nhắc lại cho bạn: bạn sẽ không thể có được nó mà không mất đi sự đúng mực của mình.  

Bên cạnh đó, bạn cần phải luyện tập mỗi ngày, nghĩa là bạn sẽ tốn thêm nhiều năng lượng vào câu từ hơn là vào nội dung. Và ngay cả nếu như bạn có thể nói tràng giang đại hải một cách dễ dàng, không tốn công sức, bạn vẫn nên kiểm soát nó. Vì cũng giống như ở một người thông thái thì cách đi đứng cũng giản dị lễ độ, lời nói của ông ta cũng sẽ có chừng mực, và không quá dữ dội bốc đồng.

Tóm lại, điều tôi hy vọng có thể thuyết phục bạn là: Nên nói chậm thôi. 

 Tạm biệt!

Nhận xét